Chăm Sóc Tiểu đường

[TÌM HIỂU] Người mắc bệnh tiểu đường nên ăn và kiêng thực phẩm gì?

Bệnh tiểu đường (hay còn có thể gọi bằng một tên gọi khác là bệnh đái tháo đường) là một bệnh do rối loạn glucose máu mà ở đây là do tăng lượng đường trong máu gây ra.

Bệnh đang ngày càng phổ biến và độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa do nhiều nguyên nhân về điều kiện sống, lối sống ngày nay. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường thì câu hỏi luôn thường trực trong đời sống hằng ngày là nên ăn gì và không nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

Bài viết này của Aquafina Pure Fashion nhằm trả lời câu hỏi: Thực phẩm dành cho người bệnh tiểu đường là gì? Nhưng trước hết chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bệnh đái tháo đường.

Tìm hiểu chung về bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường (Diabetes mellitus) là bệnh mạn tính gây ra do sự thiếu hụt tương đối hoặc tuyệt đối của insulin gây ra tình trạng tăng lượng đường trong máu dẫn đến các rối loạn chuyển hóa khác trong cơ thể ( ví dụ rối loạn chuyển hóa lipid, rối loạn chuyển hóa glucid, …)

Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường là gì?

Phân loại bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường thường được chia thành 2 loại chính gồm:

  • Đái tháo đường typ 1: ĐTĐ phụ thuộc insulin ( thiếu hụt insulin tuyệt đối) Tế bào beta của đảo tụy bị phá hủy theo cơ chế tự miễn dịch. Điều đó được giải thích là do tế bào beta tăng sự nhạy cảm đối với sự phá hủy của virus hoặc do các kháng thể tự miễn dịch chống lại tế bào beta. Sự phá hủy đó dẫn đến suy giảm khả năng tiết insulin của tế bào beta, gây ra thiếu hụt insulin, làm cho tế bào không dung nạp và sử dụng được glucose khiến lượng đường trong máu tăng cao. Khi lượng đường trong máu vượt quá giới hạn hấp thu của tế bào ống thận thì sẽ làm đường thải ra ngoài theo đường nước tiểu gây ra hiện tượng có đường trong nước tiểu hay còn gọi là tiểu đường.
  • Đái tháo đường typ 2: ĐTĐ không phụ thuộc insulin (thiếu hụt insulin tương đối ) là đái tháo đường đặc trưng bởi hai yếu tố quan trọng kết hợp với nhau là kháng insulin và rối loạn tiết insulin. Thường do rối loạn cấu trúc hoặc chức năng các receptor insulin ở tế bào dẫn đến giảm khả năng kết hợp của insulin với receptor gây ra tăng lượng đường trong máu. Từ đó mà cơ thể dẫn đến cơ chế tăng tiết insulin bù trừ để cân bằng lại lượng đương trong máu. Tuy nhiên hiện tượng này kéo dài sẽ gây ra suy giảm hoạt động của tế bào beta dẫn đến mất tính chất tiết insulin từng đợt. Về cơ bản thì ĐTĐ typ 2 cũng tương đương typ 1 nhưng nhẹ hơn và diễn biến của bệnh kéo dài hơn.

Triệu chứng của bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường dù là typ 1 hay typ 2 cũng bao gồm 4 triệu chứng rất rõ ràng bao gồm ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều và gầy nhiều.

  • Ăn nhiều: tế bào không dung nạp và sử dụng được glucose dẫn đến giảm G6P gây ra cảm giác đói khiến bệnh nhân ăn nhiều
  • Uống nhiều: cũng do tế bào không dung nạp glucose nên làm cho lượng đường trong máu tăng cao, áp suất thẩm thấu lòng mạch tăng lên làm nước thoát ra khỏi tế bào kích thích gây khát nên bệnh nhân uống nhiều.
  • Đái nhiều: Glucose không được tái hấp thu hết ở thận nên trong nước tiểu có đường gây đa niệu thẩm thấu làm bệnh nhân đái nhiều.
  • Gầy nhiều: do thiếu insulin  làm quá trình tổng hợp lipid và protein bị giảm đồng thời lại tăng quá trình thoái hóa nên người bệnh gầy rất nhanh dù ăn nhiều.

Sự khác biệt giữa ĐTĐ typ 1 và ĐTĐ typ hai là thời gian khởi phát các triệu chứng. Đối với ĐTĐ typ 1 các triệu chứng trên thường khởi phát đột ngột, các triệu chứng diễn ra rầm rộ, ngược lại với ĐTĐ typ 2 các triệu chứng thường tiến triển một cách âm thầm và không bộc lộ ra bên ngoài các triệu chứng lâm sàng.

Biến chứng bệnh tiểu đường

Biến chứng bệnh tiểu đường
Biến chứng bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường nếu không có các biện pháp điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm khuẩn làm bệnh nhân bị tiểu đường thường bị mụn nhọt, loét hoại tử, lao phổi, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, suy kiệt toàn thân, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Đối tượng hay mắc bệnh tiểu đường

Đối tượng nguy cơ của đái tháo đường typ 1:

  • Yếu tố di truyền: gia đình có người nhà, bố hoặc mẹ mắc bệnh đái tháo đường thì con cái của họ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người khác
  • Yếu tố môi trường: thường được đề cập nhất là những nơi phơi nhiễm với virus như Coxsakie B, Cytomegalovirus, Echo, Bar…, hay có thể là các yếu tố về điều kiện sống như nhiễm khuẩn, stress, phải tiếp xúc với các chất độc hại thường xuyên là những tác nhân đến từ môi trường gây tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường typ 1.

Đối tượng nguy cơ của đái tháo đường typ 2:

  • Yếu tố gia đình: cũng tương tự đái tháo đường typ 1, gia đình có bệnh nhân mắc ĐTĐ typ 2 cũng khiến cho con cái họ có nguy cơ mắc ĐTĐ cao hơn
  • Béo phì: có thể nói đây chính là nhân tố dễ gây ĐTĐ typ 2 nhất, do sự thừa của mô mỡ dẫn đến các tế bào khó dung nạp và sử dụng glucose. Bên cạnh đó việc ít vận động gây béo phì cũng khiến cho lượng gluose không được sử dụng nhiều cũng gây tăng lượng đường trong máu.
  • Tuổi: ĐTĐ typ 2 thường xảy ra hơn với những người lớn tuổi ( từ 40 tuổi), và ngày nay thì độ tuổi nguy cơ mắc ĐTĐ typ 2 ngày càng giảm xuống.
  • Yếu tố khác như huyết áp cao, phụ nữ mắc ĐTĐ trong thai kỳ, …

Điều trị bệnh tiểu đường như thế nào?

Phương pháp điều trị không dùng thuốc:

  • Chế độ ăn: đối với người bệnh đái tháo đường, chế độ ăn uống vô cùng quan trọng, phải đảm bảo lượng đường trong máu luôn được duy trì ổn định đồng thời lại cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho người bệnh.

Đối với người bệnh đái tháo đường typ 2 béo phì, chế độ ăn cần phù hợp, hướng giảm cân, ăn ít calo trong một ngày so với nhu cầu năng lượng của cơ thể

Nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và chia giờ ăn đều đặn.

  • Vận động thể lực: bên cạnh chế độ ăn hợp lý thì vận động thể lực hàng ngày là vô cùng quan trọng với bệnh nhân tiểu đường đặc biệt là đối với bệnh nhân tiểu đường typ 2. Nguyên nhân là do vận động thế lực có thể giúp giảm cân, giảm sự kháng insulin của tế bào, giúp cải thiện, điều hòa lượng đường trong máu.
  • Khám định kỳ: khám định kỳ để theo dõi thường xuyên lượng đường trong máu, điều chỉnh chế độ ăn và hoạt động phù hợp với tình trạng cơ thể đồng thời tham khảo lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo sức khỏe một cách tốt nhất.

Phương pháp điều trị sử dụng thuốc:

Insulin là bắt buộc đối với bệnh nhân đái tháo đường typ 1 để có thể duy trì ổn định nồng độ glucose trong máu. Bệnh nhân sẽ phải sử dụng insulin trong suốt quảng đời còn lại vì cơ thể của bệnh nhân không thể tự sản suất ra insulin nữa.

Liều sử dụng insulin sẽ phụ thuộc vào tình trạng thiếu hụt insulin của từng bệnh nhân. Đối với bệnh nhân đái tháo đường typ 2, có thể sử dụng insulin tùy vào nồng độ đường trong máu và từng giai đoạn của bệnh nhân.

Xem thêm: Giảm cân cho người mắc tiểu đường, bí quyết không phải ai cũng biết

Thực phẩm dành cho người tiểu đường

Đái tháo đường nên ăn gì có lẽ là câu hỏi với hầu hết bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.

Thực phẩm dành cho người tiểu đường
Thực phẩm dành cho người tiểu đường

Điều quan trọng đối với mỗi người bệnh đái tháo đường là khi chọn các thức ăn có chứa đường thì không phải là hoàn toàn không ăn các thức ăn có chứa đường mà cần phải ưu tiên chọn lựa các thức ăn có chỉ số đường huyết thấp. Vậy thì chỉ số đường huyết là gì và thế nào mới là thức ăn có chỉ số đường huyết thấp?

Chỉ số đường huyết, viết tắt là GI là một con số thể hiện tốc độ cơ thể chuyển đổi carbohydrat có trong thực phẩm thành glucose. Đối với hai thực phẩm có thể có cùng lượng carbohydrat nhưng vẫn có thể có chỉ số đường huyết khác nhau.

Các con số này càng nhỏ thì khả năng mà thực phẩm này làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu càng giảm. Có thể phân loại chỉ số đường huyết theo 3 cấp độ sau:

  • Từ 55 trở xuống: thấp
  • Từ 56 đến 59: trung bình
  • Từ 70 trở lên: cao

Các thức ăn NÊN cho bệnh nhân tiểu đường:

Rau xanh

Ví dụ rau muống, bông cải xanh và củ quả ví dụ như cà rốt,… kèm theo chế biến một cách đơn giản như luộc hoặc trộn các rau sống không sử dụng kèm theo các loại gia vị có chứa chất béo.

Ví dụ rau muống, bông cải xanh và củ quả ví dụ như cà rốt,…
Ví dụ rau muống, bông cải xanh và củ quả ví dụ như cà rốt,…

Các loại rau này thường có chỉ số đường huyết thấp và có tác dụng hỗ trợ thải trừ lượng đường trong máu giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường và ổn định nồng độ đường trong máu.

Hoa quả

Táo, chuối, nho, mận, anh đào… là các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp và được khuyên dùng đối với những bệnh nhân tiểu đường.

Nên sử dụng các loại hoa quả tươi, không nên đem chế biến phức tạp các loại hoa quả này như trộn thêm kem, bơ… đồng thời hạn chế sử dụng các loại hoa quả chín nhiều đường như dưa hấu, cam, sầu riêng,…

Sữa

Nên sử dụng các loại sữa gầy, sữa chua ít đường.

Đặc biệt với sữa chua ít đường vừa có thể giúp ổn định lượng đường trong máu lại vừa có tác dụng làm giảm đi các cơn thèm ăn giúp giảm cân, đặc biệt có hiệu quả đối với bệnh nhân đái tháo đường typ 2.

Đậu và các loại hạt

Đậu và các loại hạt
Đậu và các loại hạt

Ví như đậu tương, hạt đậu, lạc có chỉ số đường huyết rất thấp có thể giúp giữ ổn định lượng đường trong máu phù hợp với bệnh nhân tiểu đường.

Thực phẩm giàu protein

Có thể chọn các loại thực phẩm như cá béo, cá hồi đen, đậu hũ, trứng (với lượng vừa phải do lòng đỏ trứng không tốt cho các bệnh nhân tim mạch)

Các loại ngũ cốc

Có thể sử dụng một cách vừa phải, hợp lý các loại ngũ cốc như gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mỳ nguyện hạt.

Khi sử dụng các loại thực phẩm này cần chú ý tránh sử dụng các loại ngũ cốc có đường hoặc đã được chế biến sẵn để tránh gia tăng lượng đường trong máu.

Thực phẩm không dành cho người tiểu đường

Bên cạnh việc chọn tiểu đường nên ăn gì thì việc tránh những thực phẩm khi bị tiểu đường cũng vô cùng quan trọng để tránh làm tình trạng bệnh trở nên phức tạp và nặng hơn.

Vậy người bệnh tiểu đường cần tránh những loại thức ăn gì?

Tránh thực phẩm giàu protein

Thịt nướng, xúc xích, thịt bò khô là những thực phẩm mà bạn cần tránh bởi chúng làm phát triển thêm tình trạng bệnh.

Tránh thực phẩm giàu protein
Tránh thực phẩm giàu protein

Đồng thời tránh thực phẩm chế biến sẵn và đóng gói vì ngoài việc chúng bổ sung thêm một lượng đường thì chúng còn chứa Natri làm tăng thêm các nguy cơ về bệnh tim mạch.

Ngũ cốc cần hạn chế và tránh

Bánh mỳ trắng, bánh ngọt, ngũ cốc có đường, gạo trắng là những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết rất cao gây tăng lượng đường trong máu, là nặng thêm tình trạng của bệnh nhân tiểu đường.

Các loại sữa cần tránh

Sữa chua béo và phô mai béo cần được các bệnh nhân tiểu đường tránh xa để có thể duy trì ổn định nồng độ đường trong máu.

Không dùng thực phẩm chứa chất béo

Không dùng thực phẩm chứa chất béo
Không dùng thực phẩm chứa chất béo

Chất béo không phải kẻ thù của những bệnh nhân tiểu đường và để dung nạp chất béo một cách hợp lý chúng tan cần tránh các thực phẩm giàu chất béo như thức ăn nhanh, đồ ăn đóng gói, khoai tây chiên, bánh rán, bánh ngọt…

Các loại trái cây không nên sử dụng

Hoa quả sấy khô, nước trái cây đóng gói, các lại trái cây chín có chỉ số đường huyết cao như sầu riêng, dưa hấu…

Xem thêm: Cách sử dụng cây mật nhân chữa bệnh tiểu đường. Lưu ý khi chữa trị

Lời kết: Có lẽ qua bài viết này các bạn đã có hình dung một cách rõ ràng hơn về bệnh tiểu đường và hơn hết là cách chọn các loại thực phẩm phù hợp với bản thân. Chúc các bạn có thể chọn cho mình một chế độ ăn hợp khẩu vị nhất và đảm bảo sức khỏe nhất nhé!

Dược sĩ Đỗ Ánh

Dược sĩ Đỗ Ánh - Dược sĩ trường đại học Dược Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.