Bệnh tiểu đường là một căn bệnh phổ biến ở Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và sinh hoạt. Người mắc bệnh tiểu đường nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Vậy bệnh tiểu đường là gì? Có thể điều trị bệnh tiểu đường tại nhà bằng cách nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là bệnh đái tháo đường) là một tình trạng bệnh lý rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, đây là bệnh mãn tính do thiếu hụt tương đối hoặc tuyệt đối insulin làm cho lượng đường glucose trong máu cao hơn mức bình thường. Glucose là một chất chuyển hóa của carbohydrate ( có trong cơm, ngô, khoai, sắn…), được hấp thu tại ruột và hòa tan vào máu, chúng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng duy trì hoạt động sống của tế bào.
Insulin là một hormon do tế bào beta của đảo tụy sản xuất. Khi chúng ta ăn một lượng lớn tinh bột vào cơ thể, tế bào beta đảo tụy bị kích thích và tiết ra insulin. Insulin có vai trò quan trọng trong việc điều hòa lượng đường huyết của cơ thể, cụ thể là chúng tăng cường hoạt tính của enzym tổng hợp glycogen và ức chế sự chuyển hóa glycogen thành glucose.
Nếu thiếu hụt insulin hoặc khả năng hoạt động của insulin có vấn đề, glycogen sẽ tăng cường chuyển hóa tạo glucose và đi vào máu. Khi lượng glucose tăng quá mức cho phép sẽ gây ra bệnh tiểu đường. Ở người bị bệnh tiểu đường, nếu không điều trị thì glucose máu tăng mạn tính kéo dài có thể gây nên rối loạn chuyển hóa carbohydrate, lipid, protid, dẫn đến tổn thương ở nhiều cơ quan, có thể gây nên các biến chứng như suy thận, bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, mù mắt…
Tiểu đường được phân ra thành 4 loại, mỗi loại có những nguyên nhân gây bệnh khác nhau do vậy có thể có những cách điều trị khác nhau:
Đái tháo đường typ 1
Loại này xảy ra ở những người có hệ gen nhạy cảm, dưới tác động của môi trường như virus, độc tố… các tế bào beta của đảo tụy bị thoái biến, làm kích thích hệ miễn dịch tấn công các tế bào này. Vì vậy, kết quả là tế bào beta của đảo tụy bị tổn thương, bị phá hủy, làm giảm tiết insulin gây ra đái tháo đường.
Đái tháo đường typ 2
Đây là bệnh lý do thiếu hụt insulin tương đối, có khoảng 85- 90% người mắc loại đái tháo đường này, được đặc trưng bởi 2 yếu tố là kháng insulin( giảm tác dụng của insulin) và rối loạn bài tiết insulin.
Đái tháo đường thai kì
Bệnh này gặp ở phụ nữ mang thai, được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ type 1, type 2 trước đó
Đái tháo đường do các nguyên nhân khác như đái tháo đường do sử dụng thuốc và hóa chất, điều trị HIV, sau cấy ghép mô…
Xem thêm: [Cẩn trọng] Dấu hiệu bệnh đái tháo đường (tiểu đường) không thể bỏ qua
Triệu chứng
Khi bị bệnh đái tháo đường, bạn có thể xảy ra một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Đi tiểu nhiều lần, số lượng nước tiểu tăng: trung bình một người bình thường sẽ đi tiểu từ 4 đến 7 lần mỗi ngày, ở người bệnh tiểu đường thì con số này tăng lên do tăng glucose máu làm tăng áp suất thẩm thấu trong lòng ống thận gây tiểu nhiều
- Hay cảm thấy khát: do glucose máu tăng làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng mạch, nước di chuyển từ tế bào vào lòng mạch làm mất nước tế bào nên gây khát
- Ăn nhiều, hay cảm thấy đói dù đang ăn: glucose máu tăng làm glucose trong tế bào giảm. Mặt khác glucose lại tham gia đường phân tạo G6P, thiếu G6P gây đói
- Sụt cân dù ăn nhiều hơn: do giảm G6P gây thiếu năng lượng làm tăng thoái hóa lipid và protid nên gầy nhanh
- Mệt mỏi, ngủ lịm: do giảm G6P gây thiếu năng lượng
- Rối loạn thị giác: nhìn mờ… do đường máu cao gây biến chứng lên võng mạc
- Viêm âm hộ, âm đạo, viêm niệu đạo, bao quy đầu
- Vết thương, vết loét lâu lành: do lượng đường trong máu cảm làm ảnh hưởng tới lưu lượng máu và ảnh hưởng tới thần kinh gây ức chế việc chữa lành vết thương
- Tê, ngứa, đau ở tay chân: thường gặp ở người bệnh đái tháo đường typ 2
Xem thêm: Cách sử dụng cây mật nhân chữa bệnh tiểu đường. Lưu ý khi chữa trị
Các biện pháp chữa bệnh tiểu đường
Các biện pháp điều trị tiểu đường đều có mục tiêu là kiểm soát tốt đường huyết nằm trong khoảng quy định, không gây hạ đường huyết, ngăn ngừa và điều trị biến chứng. Khi bị bệnh tiểu đường, bạn cần kiểm soát lượng đường huyết theo các chỉ số sau:
Glucose máu lúc đói: 4.0 – 7,0 mmol/l
Glucose máu sau ăn 2 giờ:
- Với người tiêm insulin < 10 mmol/l
- Với người không tiêm insulin < 7.8 mmol/l
Để bệnh không diễn biến phức tạp gây ra các biến chứng nguy hiểm, người bệnh nên áp dụng các biện pháp điều trị thích hợp, sau đây là một số biện pháp bạn nên áp dụng:
Điều trị không dùng thuốc
Thay đổi chế độ ăn uống
Người bệnh cần có một chế độ ăn hợp lý, đủ dinh dưỡng, sau đây là một số lời khuyên dành cho bạn:
- Duy trì ăn cơm, tránh ăn các thực phẩm thay thế có chứa tinh bột
- Ăn nhiều bữa, giờ ăn đều nhau, không được bỏ bữa ngay cả khi không muốn ăn, không nên ăn quá nhiều.
- Nên ăn đồ luộc là chính, hạn chế ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, rượu bia, đồ ăn mặn, tránh xa đồ ăn có nhiều chất béo bão hòa, cholesterol như thịt mỡ, nội tạng động vật, lòng đỏ trứng gà, bơ sữa, …
- Nên ăn rau luộc đầu bữa sau đó mới ăn protid( tránh chất béo) và ăn cơm
- Tráng miệng sau bữa ăn bằng hoa quả ít đường như táo, bưởi, ổi…
- Tránh xa các đồ ăn chứa nhiều đường như kẹo, bánh, đồ uống có ga…
- Khi cần ăn kiêng bạn cần phải giảm thức ăn từ từ theo thời gian, không ăn kiêng đột ngột vì có thể gây tụt đường huyết.
- Có chế độ vận động thích hợp:
Luyện tập thể dục
Điều này rất quan trọng với bệnh nhân đái tháo đường đặc biệt là đái tháo đường typ 2 vì tập thể dục giúp giảm cân, giảm kháng insulin, giúp cơ thể sử dụng glucose hiệu quả hơn mà không gây tăng glucose máu đột ngột, cải thiện nồng độ lipid máu.
Để đạt được hiệu quả tốt nhất thì bạn nên tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày và 5 ngày 1 tuần. Một số bài tập phù hợp với bạn như đạp xe, đi bộ, chạy, bơi…vừa có thể giúp giảm cân, tăng nhịp tim, tăng tần số hô hấp và giảm đề kháng insulin. Tuy nhiên tùy theo lứa tuổi, giai đoạn bệnh và bệnh nhân đã xuất hiện biến chứng chưa mà ta có thể điều chỉnh chế độ tập luyện và các bài tập sao cho phù hợp.
Trong giai đoạn đầu bệnh tiểu đường, bạn cũng có thể tập yoga hay ngồi thiền, đây là biện pháp rất hiệu quả để giảm stress – nguyên nhân gây rối loạn tế bào beta đảo tụy.
Khi đã xuất hiện biến chứng thần kinh, bạn chỉ nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, chèo thuyền, tập các động tác vận động tay chân khi ngồi tại chỗ. Tránh các vận động mạnh hay mang vật nặng, hoạt động quá sức, tập luyện kéo dài.
Khi đã xuất hiện các biến chứng bệnh thận, người bệnh chỉ nên hoạt động từ nhẹ đến vừa, tránh hoạt động mạnh, tập luyện kéo dài, cường độ cao.
Khi đã xuất hiện những biến chứng về võng mạc người bệnh nên chơi các môn thể thao ít tác động lên tim mạch như: đi bộ, bài tập tại chỗ… Tránh các hoạt động mạnh như cử tạ, chạy bộ, quần vợt, tập luyện dẻo dai mạnh.
- Kiểm soát lượng đường huyết thường xuyên
- Khám định kì để theo dõi các biến chứng, đồng thời tham vấn không định kì với thầy thuốc khi có vấn đề đặc biệt xảy ra.
Điều trị tiểu đường bằng thuốc đặc trị
- Điều trị bằng insulin: Insulin được chỉ định điều trị trong các trường hợp sau:
- Đái tháo đường typ 1: Trong bệnh đái tháo đường typ 1, các tế bào beta đảo tụy bị hủy hoại nên không có khả năng tiết ra insulin. Do vậy, bệnh nhân bắt buộc phải dùng insulin. Insulin được tiêm dưới da cho tác dụng chậm hoặc tiêm tĩnh mạch thì cho tác dụng nhanh hơn, dùng trong các trường hợp cấp cứu.
- Đái tháo đường có biến chứng hôn mê do nhiễm toan ceton làm tăng áp lực thẩm thấu
- Đái tháo đường typ 2: dùng tạm thời trong một số trường hợp như mang thai hoặc đang phẫu thuật
Không nên tự ý sử dụng insulin mà cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Điều trị bằng thuốc hạ đường huyết: được chỉ định trong trường hợp chế độ ăn và chế độ tập luyện tỏ ra không hiệu quả trong việc hạ đường huyết. Tuy nhiên khi sử dụng thuốc này bạn vẫn phải đảm bảo kết hợp cả chế độ ăn và chế độ vận động để cho kết quả tốt nhất. Một số thuốc thường dùng như:
- Nhóm thuốc ức chế alpha- glucosidase: điển hình là thuốc Acarbose, tác dụng lên ruột, làm giảm hấp thu glucose
- Nhóm thuốc Sulfonylureas, meglitinides: gồm các thuốc như Tolbutamid, Glibenclamide, Glipizide,… tác dụng lên tụy làm kích thích bài tiết insulin
- Nhóm thuốc Biguanides: gồm Metformin, tác dụng lên receptor ngoại vi ở gan làm tăng tác dụng của insulin, giảm tân tạo glucose
- Nhóm thuốc Thiazolidinedione: gồm thuốc Pioglitazone, Rosiglitazone, tác dụng lên receptor ngoại vi, làm giảm kháng insulin.
Không nên tự ý sử dụng thuốc hạ đường huyết mà cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Điều trị bằng các bài thuốc dân gian
Việt Nam là nước có nguồn dược liệu phong phú. Từ xưa ông cha ta đã phối hợp các loại cây cỏ với nhau để trị bệnh tiểu đường. Những bài thuốc dân gian này hiện đang được nhiều người chú ý đến do mức độ an toàn, giá thành rẻ, dễ dàng tìm kiếm và sử dụng tại nhà được. Tuy nhiên không phải bài thuốc nào cũng có tác dụng do cơ địa của mỗi người là khác nhau. Sau đây là những bài thuốc dân gian phổ biến hiện nay.
Xem thêm: Giảm cân cho người mắc tiểu đường, bí quyết không phải ai cũng biết
Một số bài thuốc dân gian trị tiểu đường tại nhà
Mướp đắng
Mướp đắng hay còn có tên khác là khổ qua. Theo Đông y mướp đắng có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Trong mướp đắng còn chứa nhiều hoạt chất có tác dụng tăng hoạt tính của insulin. Do vậy, ngoài việc được biết đến với công dụng hỗ trợ hạ đường huyết, điều trị tiểu đường thì mướp đắng còn được dùng để chữa mụn nhọt, bệnh ngoài da…
Các bài thuốc dân gian được ghi lại và được mọi người đánh giá cao như:
Bài thuốc 1
- Chuẩn bị 1 quả mướp đắng, 1 quả chanh và 1 thìa tinh bột nghệ
- Mướp đắng mang rửa sạch, chia làm hai rồi cho vào hỗn hợp nước cốt chanh và tinh bột nghệ, ngâm khoảng 15 phút
- Vớt mướp đắng ra, ép lấy nước
- Người bệnh nên uống vào buổi sáng, trước khi ăn để có hiệu quả tốt nhất
Bài thuốc 2
- Chuẩn bị nửa quả mướp đắng, 1 quả dưa chuột, 1 quả ớt ngọt xanh và vài cọng rau cần
- Tất cả đem rửa sạch, bỏ hạt, thái nhỏ rồi ép lấy nước
- Uống 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều
Ngoài ra thì bạn cũng có thể chế biến mướp đắng như một món ăn hàng ngày như mướp đắng xào thịt, mướp đắng xào trứng, nấu canh, nhồi thịt…
Tỏi
Theo nghiên cứu khoa học, trong tỏi chứa nhiều chất có tác dụng như kháng sinh vì vậy tỏi giúp diệt khuẩn, tăng cường miễn dịch. Ngoài ra tỏi giúp tăng cường giải phóng insulin tự do trong máu, chuyển hóa glucose từ đó giảm lượng đường huyết, sử dụng trong điều trị bệnh tiểu đường.
Bạn có thể dùng tỏi để chữa tiểu đường như sau:
- Chuẩn bị nguyên liệu: 40g tỏi khô và 100ml rượu nếp 50 độ
- Tỏi bóc sạch vỏ, thái nhỏ cho vào lọ
- Cho rượu nếp đã chuẩn bị vào lọ đựng tỏi trên, ngâm tới khi tỏi chuyển thành màu vàng thì mới dùng
- Mỗi ngày uống 1 thìa cà phê, chia 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Chú ý không nên uống nhiều vì có thể ảnh hưởng xấu tới dạ dày.
Vỏ dưa hấu
Theo Đông y, vỏ dưa hấu có vị ngọt thanh, tính hàn, có tác dụng trị nóng trong, giải khát, giảm say nắng, thanh nhiệt, lợi tiểu. Theo nghiên cứu cho thấy trong vỏ dưa hấu rất giàu thành phần dinh dưỡng như glucid, protid, vitamin, muối khoáng… Ngoài ra vỏ dưa hấu chứa nhiều acid folic tham gia vào quá trình tạo máu do vậy nó còn được dùng trong điều trị tiểu đường.
Bài thuốc 1
- Chuẩn bị 30g vỏ dưa hấu, 30g vỏ bí xanh
- Đem nguyên liệu rửa sạch, để ráo nước
- Sắc với nước, thấy nước đặc thì ngừng đun, chắt lấy nước uống
- Mỗi ngày sắc 1 lần lấy nước và chia 3 lần uống trong ngày. Kiên trì thực hiện để thu được kết quả tốt nhất.
Bài thuốc 2
- Nguyên liệu: 60g vỏ dưa hấu, 12g thiên hoa phấn, 10g ô mai, 15g câu kỷ tử
- Nguyên liệu đem rửa sạch, để ráo nước
- Đem tất cả sắc với nước, thấy nước đặc thì ngừng đun, chắt lấy nước uống trong ngày. Cần kiên trì thực hiện để thu được kết quả tốt nhất.
Hạt quả vải
Theo Đông y, hạt vải có vị ngọt chát, tính ôn, từ lâu đã được biết đến như một vị thuốc trị tiểu đường.
Bài thuốc 1
- Nguyên liệu: 8- 10 hạt vải
- Hạt vải rửa sạch, phơi khô sau đó đem thái nhỏ
- Sắc với nước cho tới khi nước đặc thì ngừng đun
- Đem cô lại thành viên, mỗi viên khoảng 0,3g
- Uống 4-5 viên một ngày, chia 3 lần
Bài thuốc 2
– Nguyên liệu: 8- 10 hạt vải
– Hạt vải rửa sạch, phơi khô, xay thành bột mịn
– Pha 10g bột với nước, uống 3 lần mỗi ngày.
Đậu bắp
Trong quả đậu bắp tươi có hàm lượng chất xơ cao, chứa khá nhiều chất nhầy, pectin, canxi, sắt, thiamin, axit ascorbic,… những chất này giúp cho đậu bắp có nhiều tác dụng như hạ đường huyết, điều trị tiểu đường, giảm cân, phòng ngừa cao huyết áp.
Cách làm:
- Nguyên liệu: 500g quả đậu bắp tươi, 2 lít nước
- Đem đậu bắp rửa sạch, đun với nước tới khi nước cô đặc lại còn 1 lít
- Uống nước đậu bắp thu được trong ngày, kiên trì thực hiện để thu được kết quả tốt nhất.
Cây thìa canh
Dây thìa canh có tác dụng kích thích đảo tụy tiết ra insulin và ức chế sự hấp thu tại ruột do vậy dây thìa canh được dùng trong điều trị tiểu đường, giúp kiểm soát đường huyết.
Bài thuốc 1
- Nguyên liệu: 50g dây thìa canh phơi khô
- Dây thìa canh đem rửa sạch, sắc với 2 lít nước
- Đợi cho nước sôi thì để lửa nhỏ, đun thêm 15 phút rồi tắt bếp
- Chia ra nhiều lần uống trong ngày, dùng sau bữa ăn 30 phút
Bài thuốc 2
- Nguyên liệu: 50g dây thìa canh khô, 1 lít nước sôi
- Dây thìa canh đem rửa sạch, bỏ vào bình hãm
- Đầu tiên hãm với 200ml nước sôi, đổ bỏ nước
- Đổ tiếp 800ml nước sôi còn lại vào bình hãm, chờ khoảng 30 phút
- Chia ra nhiều lần uống trong ngày, uống sau ăn 30 phú.
Lá ổi
Nghiên cứu cho thấy lá ổi chứa hàm lượng lớn tanin và nhiều thành phần khác có khả năng ức chế hoạt động của các enzyme alpha – glucosidase do vậy có hiệu quả cao trong việc giảm đường huyết, điều trị tiểu đường. Các bài thuốc trị tiểu đường từ lá ổi có ưu điểm là đơn giản, giá thành rẻ lại đem lại tác dụng nhanh.
Bài thuốc 1
- Nguyên liệu: 1 nắm lá ổi non
- Lá ổi đem rửa sạch, vò nát, mang sắc với nước đến khi cô cạn
- Lấy nước uống trong ngày, chia làm 2 đến 3 lần.
Bài thuốc 2
- Nguyên liệu: 1 ít lá ổi, 1 ít dây thìa canh với tỉ lệ bằng nhau
- Nguyên liệu đem rửa sạch, sắc với nước đến khi cô cạn
- Uống trong ngày
Lá sa kê
Theo nghiên cứu cho thấy, lá sa kê chứa quercetin, campherol, có tác dụng điều trị tiểu đường, tiêu viêm, lợi tiểu.
Bài thuốc 1
- Nguyên liệu: 100g lá sa kê vàng vừa rụng ( không dùng lá xanh vì không có tác dụng), 20g búp ổi, 100g đậu bắp
- Nguyên liệu rửa sạch, để ráo nước
- Sắc với 2 lít nước, thấy nước cô cạn thì ngừng đun
- Chia nhiều lần uống trong ngày.
Bài thuốc 2
Dùng khi tiểu đường đi kèm với tăng huyết áp
- Nguyên liệu: 2 lá sa kê vàng vừa rụng( không dùng lá xanh vì không có tác dụng), 20g chè xanh, 50g lá ngót
- Nguyên liệu đem rửa sạch, sắc với nước, thấy nước cô cạn thì ngừng đun
- Chia nhiều lần uống trong ngày.
Lá xoài non
Theo Đông y, lá xoài có vị ngọt chua, tính mát, có tác dụng điều trị bệnh hô hấp và tiểu đường rất tốt. Theo nghiên cứu khoa học, trong lá xoài còn chứa anthxyanhdin và nhiều chất có tác dụng giảm cholesterol máu, do vây mà lá xoài giúp hạ glucose máu, phòng ngừa biến chứng ở tim mạch và mắt do bệnh tiểu đường.
Cách làm:
- Nguyên liệu: 2-3 lá xoài non, 1 ít muối, nước sôi
- Lá xoài rửa sạch với nước muối, cắt nhỏ hoặc vò nhẹ
- Ngâm với nước sôi qua đêm
- Chắt lấy nước uống. Uống 1 lần mỗi ngày. Khi bạn sử dụng thuốc điều trị thì thời gian uống nước lá xoài và uống thuốc phải cách nhau 2 đến 3 tiếng để tránh ảnh hưởng tới tác dụng thuốc.
Nấm lim xanh
Trong nấm lim xanh có chứa nhiều hoạt chất, chất không đường có tác dụng chuyển hóa glucose, giảm lượng đường huyết, thúc đẩy sản sinh insulin ở tuyến tụy và phòng ngừa các biến chứng bệnh tiểu đường. Những công dụng này làm cho nấm lim xanh trở thành loại dược liệu quý báu cho người bệnh tiểu đường.
Cách làm:
- Nguyên liệu: 20g nấm linh xanh khô và 300ml nước
- Rửa sạch nấm linh xanh, thái nhỏ, cho vào bình hãm
- Hãm qua một lần với nước sôi, đổ nước đi
- Tiếp tục cho 300ml nước sôi vào hãm tiếp, để khoảng 30 phút
- Uống 30 phút trước khi ăn. Khi bạn sử dụng thuốc điều trị thì thời gian uống nước hãm nấm linh xanh và uống thuốc phải cách nhau 30 phút trở lên.
Cây chuối hột
Cây chuối hột được biết đến với nhiều tác dụng, một trong số đó là kiểm soát lượng đường huyết, hỗ trợ điều trị tiểu đường. Trong chuối hột có hàm lượng chất xơ và tanin cao, người bệnh tiểu đường có thể dùng củ, quả hoặc thân cây để điều trị.
Bài thuốc 1
- Nguyên liệu: thân cây chuối hột, bóc bỏ vỏ ngoài
- Nguyên liệu chuẩn bị xong đem ép lấy nước. Uống vào mỗi buổi sáng.
Bài thuốc 2
- Nguyên liệu: vài quả chuối hột
- Quả chuối hột rửa sạch, thái mỏng, phơi khô. Sau khi khô vàng lại thì bạn cất trong lọ kín
- Mỗi ngày lấy vài lát sắc với nước uống, uống đều đặn để đem lại hiệu quả tốt nhất
Bài thuốc 3
- Nguyên liệu: vài quả chuối hột
- Quả chuối hột loại bỏ thịt quả, lấy hạt, đem phơi khô
- Hạt đem tán bột, hòa với nước uống mỗi ngày
Bài thuốc 4
- Nguyên liệu: củ chuối hột
- Củ chuối hột đem rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài và giã nát lấy nước
- Uống mỗi ngày
Lưu ý khi điều trị tiểu đường bằng thảo dược tại nhà
Có nhiều phương pháp điều trị, kiểm soát bệnh tiểu đường. Tuy nhiên như đã nói ở trên, tiểu đường là một bệnh mãn tính, không thể điều trị tận gốc mà chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng và ngăn ngừa những chuyển biến xấu. Các bài thuốc dân gian trị tiểu đường hiện đang được nhiều người sử dụng do mức độ an toàn, dễ làm và tiết kiệm chi phí mà nó mang lại nhưng cũng có nhược điểm là tùy cơ địa từng người mà cho kết quả khác nhau. Một bài thuốc có thể hiệu quả với người này nhưng chưa chắc đã hiệu quả với người khác hoặc cho kết quả kém hơn.
Hơn nữa, các bài thuốc dân gian chỉ là cách chữa bệnh theo kinh nghiệm truyền miệng, chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào nên không rõ tác dụng lâm sàng mà nó mang lại. Tuy có độ an toàn cao nhưng trong một số trường hợp mà tùy cơ địa của bạn nó có thể cho tác động xấu, do vậy khi xuất hiện dấu hiệu bất thường bạn cần thăm khám bác sĩ ngay tránh ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngoài ra, do tiểu đường là một bệnh nguy hiểm nên khi sử dụng các phương pháp dân gian bạn cũng cần lưu ý như sau:
- Trường hợp bạn đang sử dụng thuốc Tây y, bạn không được ngưng dùng thuốc đặc trị do các bài thuốc dân gian chỉ đóng vai trò hỗ trợ, việc ngưng dùng thuốc đặc biệt nguy hiểm khi bệnh của bạn đã diễn biến nặng. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các phương pháp dân gian này
- Uống đúng liều lượng, đúng chỉ dẫn. Cần tuân thủ khoảng thời gian cách nhau giữa các lần uống thuốc đặc trị và sử dụng bài thuốc dân gian tránh làm mất tác dụng của thuốc
- Kiểm tra đường huyết tại nhà thường xuyên
- Khám định kì
- Tuân thủ chế độ ăn khoa học, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, vận động quá sức
Trên đây là những thông tin mà bạn có thể tham khảo để điều trị bệnh tiểu đường tại nhà, chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp và câu hỏi từ các bạn. Chúc các bạn luôn mạnh khỏe.