Theo thống kê của Bộ Y tế, ở nước ta hiện nay có khoảng 3,5 triệu người mắc bệnh tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) – một căn bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của người bệnh.
Và để chẩn đoán bệnh tiểu đường, các cơ sở y tế hoặc các phòng khám sẽ xác định chỉ số đường huyết. Vậy đã có bao giờ bạn tự hỏi chỉ số đường huyết là gì và với chỉ số là bao nhiêu thì ở mức an toàn hay ở mức có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường?
Bài viết dưới đây của Aquafina Pure Fashion sẽ trang bị cho bạn những kiến thức cơ bản nhất về chỉ số đường huyết và chỉ số của các loại thực phẩm, giúp bạn bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa cho chính mình và người thân khỏi căn bệnh đáng lo ngại này.
Chỉ số đường huyết là gì?
Chỉ số đường huyết GI (viết tắt của glycemic index) là giá trị của nồng độ glucose trong máu. Chỉ số GI có khả năng phản ánh tốc độ tăng nồng độ đường tại các mô của cơ thể sau khi ăn các loại thực phẩm giàu chất đường bột (gluxit).
Khi làm xét nghiệm xác định chỉ số đường huyết, người ta thường sử dụng đơn vị là mg/dl hoặc mmol/l. Việc chuyển đổi 2 đơn vị này cũng rất đơn giản, để ra mmol/l, ta chỉ cần lấy chỉ số dùng đơn vị mg/dl nhân với 5,5 rồi chia cho 100.
Ở mỗi người, chỉ số GI không bao giờ ở một mức nhất định mà sẽ dao động tùy theo các giai đoạn trong ngày. Chỉ số đường huyết được phân chia theo 3 khoảng thời gian: trước khi ăn, sau khi ăn 1 đến 2 giờ và trước khi đi ngủ.
Chỉ số đường huyết ở người bình thường
Hầu hết mọi người đều biết đường (glucose) đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thần kinh và tổ chức não bộ, đồng thời cũng là nguồn nhiên liệu không thể thiếu để tạo ra năng lượng cho cơ thể sống. Trong máu luôn có một hàm lượng đường và nó thay đổi tùy vào các khoảng thời gian trong ngày. Nếu hàm lượng glucose cao trên mức cho phép, người đó sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) thì chỉ số đường huyết của người bình thường vào các giai đoạn trong ngày sẽ là:
- Trước bữa ăn: 90 – 130 mg/dl (tương đương 4,95 – 7,15 mmol/l).
- Sau bữa ăn 1- 2h: nhỏ hơn 180 mg/dl (< 9,9 mmol/l).
- Trước khi đi ngủ: 110 – 150 mg/dl (tương đương 6,05 – 8,25 mmol/l).
Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào chỉ số đường huyết lúc đói thì khó có thể khẳng định được chính xác người đó mắc bệnh tiểu đường. Vì nó chỉ phản ánh đường huyết tại thời điểm đó, mà chỉ số GI lại bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thời gian, việc dùng thuốc, chế độ tập luyện, đồ ăn thức uống dùng trong ngày đó chứa ít hay nhiều glucose, chế độ ăn của ngày hôm trước, ngoài ra nó còn có thể thay đổi cao hơn bình thường khi cơ thể ở trạng thái bị bệnh như cảm cúm, mất nước hay gặp phải stress…
Xem thêm: [TÌM HIỂU] Đường huyết cao thì nên sử dụng thực phẩm gì?
Chỉ số đường huyết HbA1c
Để biết được chính xác bản thân mình có bị căn bệnh này hay không thì bạn nên đến các cơ sở y tế hoặc phòng khám và thực hiện xét nghiệm chỉ số đường huyết HbA1c – một chỉ số quan trọng đối với bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường nói riêng và với người bình thường nói chung.
Tại sao lại như vậy? Bởi nó có khả năng phản ánh tình trạng hàm lượng glucose ở máu trong 3 tháng gần nhất và chỉ số HbA1c không bị ảnh hưởng bởi thời điểm, không phụ thuộc bạn đang no hay đói. Dựa vào kết quả xét nghiệm HbA1c, bác sĩ đưa ra kết luận người này có chỉ số đường huyết an toàn hay thuộc trường hợp mắc bệnh.
Còn đối với bệnh nhân đái tháo đường, HbA1c sẽ cho thấy kết quả kiểm soát đường huyết tốt hay chưa, để lên kế hoạch điều trị hợp lý và hiệu quả nhất cho người bệnh.
HbA1c (Hemoglobin glycosylat) là một phức hợp do glucose có trong máu gắn với phần mang oxy của hồng cầu tạo nên. Glucose sau khi gắn kết vào hemoglobin sẽ tồn tại ở đó khoảng 3 tháng. Vì vậy, nếu hàm lượng đường trong máu càng cao thì lượng glucose gắn vào hemoglobin càng tăng, đồng nghĩa với việc chỉ số HbA1c tăng. Cụ thể, khi giá trị GI tăng 30mg/dl (tương đương 1,65 mmol/l) thì chỉ số HbA1c tăng 1% so với bình thường.
Chỉ số HbA1c của người bình thường là 5,4 đến 6,4%. Nếu chỉ số nhỏ hơn 6,5% thì có nghĩa là bạn đang kiểm soát đường huyết tốt, còn khi vượt quá 6,5% thì bạn đang kiểm soát đường huyết kém.
Trong trường hợp tăng, bạn cần kiểm soát chỉ số HbA1c chặt chẽ để đạt được hiệu quả tốt nhất trong điều trị và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường như biến chứng vi mạch, mù lòa, suy thận…
Bệnh tiểu đường có chỉ số đường huyết là bao nhiêu?
Chúng ta đã biết, người mắc bệnh tiểu đường sẽ có hàm lượng glucose trong máu cao hơn bình thường. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến bệnh có thể không phải là do người đó đã cung cấp quá nhiều thực phẩm giàu chất bột đường cho cơ thể mà vì cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc do tình trạng kháng insulin (1 hormone do tuyến tụy tiết ra, giúp hấp thu và chuyển hóa glucose thành năng lượng).
Với bệnh nhân tiểu đường, chỉ số đường huyết ở các khoảng thời gian trong ngày sẽ là:
- Khi đang đói: >= 127 mg/dl (tương đương 7 mmol/l).
- Ở thời điểm bất kỳ: >= 200 mg/dl (tương đương 11,1 mmol/l).
Khi một người có chỉ số đường huyết lúc đói cao, đồng thời lại có các yếu tố như béo phì, người thân trong gia đình có tiền sử bệnh đái tháo đường… thì sẽ được chỉ định làm nghiệm pháp tăng đường huyết. Đường huyết sau 2h làm nghiệm pháp mà lớn hơn 11,1 mmol/l thì tức là người đó bị bệnh tiểu đường.
Xem thêm: [Hướng dẫn] Điều trị bệnh tiểu đường( đái tháo đường) tại nhà
Chỉ số đường huyết bình thường của thai phụ
Theo khảo sát thực tế, ở Việt Nam, cứ 5 mẹ bầu đến khám thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ, tỷ lệ mắc bệnh luôn ở khoảng 20%, thật đáng lo ngại bởi đây là một căn bệnh khá phổ biến nếu thai phụ không kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong cơ thể khi mang thai.
Nó có thể gây ra những hậu quả đau lòng như sảy thai, thai lưu khi ở những tuần đầu và nguy hiểm hơn nữa khi đây lại là căn bệnh diễn ra trong thầm lặng. Vậy nên thai phụ khi đi khám thai định kỳ, cần làm nghiệm pháp dung nạp đường.
Thực hiện nghiệm pháp này bằng cách cho thai phụ uống 1 cốc nước 250ml pha với 75g đường, trong đó tiến hành đo chỉ số GI tại 3 thời điểm là trước khi uống, sau khi uống 1 giờ và sau khi uống 2 giờ.
Với thai phụ có chỉ số đường huyết bình thường thì sẽ như dưới đây:
- Trước khi uống: < 5,1 mmol/l ( <92mg/dl)
- Sau khi uống 1 giờ: < 10 mmol/l (< 181mg/dl)
- Sau khi uống 2 giờ: < 8,5 mmol/l (< 154mg/dl)
Những thai phụ có chỉ số tiểu đường thai kỳ lớn hơn hoặc bằng những con số trên ở các thời điểm tương ứng thì sẽ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Bảng tra cứu chỉ số đường huyết của thực phẩm
Một chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta. Đặc biệt là với người mắc bệnh tiểu đường, bên cạnh việc sử dụng thuốc uống thì việc lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết phù hợp với tình trạng bệnh sẽ góp phần hỗ trợ điều trị và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này. Vậy nên chúng ta cần nắm được những điều căn bản nhất về chỉ số đường huyết của thực phẩm.
Trước tiên, ta hiểu chỉ số đường huyết của thực phẩm là chỉ số thể hiện khả năng làm tăng nồng độ glucose trong máu của cơ thể sau khi ăn thực phẩm đó. Các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao sẽ khiến lượng đường trong máu tăng nhanh và nhiều sau khi ăn. Ngược lại, với những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp thì hàm lượng đường trong máu sẽ tăng chậm và ít.
Chỉ số đường huyết của thực phẩm có mốc là 100 và có thể chia thành 3 khoảng:
- Chỉ số < 55: thấp
- Chỉ số từ 56 đến 69: trung bình
- Chỉ số >70: cao
Một số loại thực phẩm thông dụng có chỉ số đường huyết như sau:
- Ở mức cao: bánh mì, gạo trắng, gạo giã dối, bột dong, dưa hấu, chà là, khoai tây, mùi tây, kem, bánh ngọt…
- Ở mức trung bình: yến mạch, gạo lứt, mỳ ống, khoai sọ, khoai lang, khoai tây chiên, bỏng ngô, mơ, xoài, chuối, dứa…
- Ở mức thấp: sữa nguyên chất, sữa chua, lúa mì, củ từ, sắn, hạt điều, đậu phộng, rau lá xanh, cà rốt và nhiều loại hoa quả như ổi, lê, cam, bưởi, táo, dâu tây…
Khi bạn lựa chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết phù hợp thì bạn cũng nên để ý đến hàm lượng đường có trong 100g thực phẩm đó. Vì không phải chỉ số thấp thì khi ăn vào, lượng đường cơ thể hấp thu cũng thấp. Ví dụ như chỉ số đường huyết của dưa hấu lớn hơn xoài, nhưng lượng tinh bột trong 100g xoài lại cao gấp nhiều lần trong 100g dưa hấu, vậy nên việc ăn một lượng ít dưa hấu sẽ có lợi cho bạn hơn là ăn xoài.
Với mức phân loại chỉ số đường huyết của thực phẩm như trên thì hi vọng các bạn có thể chọn được cho mình và người thân một chế độ ăn uống phù hợp, lành mạnh, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Cách đọc chỉ số đường huyết trên máy đo
Với bệnh nhân tiểu đường thì máy đo đường huyết là một thiết bị y tế không thể thiếu bên người, gồm 1 máy đo, 1 bút chích máu cùng bộ kim và que thử, với công dụng giúp người bệnh theo dõi, kiểm tra chỉ số GI một cách tiện lợi, nhanh chóng nhất, góp phần kiểm soát căn bệnh đáng lo này.
Bệnh nhân sẽ không cần đến các cơ sở y tế thường xuyên mà có thể đo chỉ số đường huyết ngay tại nhà bằng cách thực hiện các bước cơ bản sau:
- Vệ sinh sạch sẽ 2 tay bằng nước sát khuẩn hoặc xà phòng, tốt nhất là với nước ấm.
- Gắn kim vào bút chích máu. Đậy nắp và chọn mức bắn phù hợp với độ dày của da (thường là ở mức 4).
- Bỏ chip vào máy đo đường huyết và gắn que thử vào máy (chú ý không để ngón tay chạm vào ô nhận máy ở que thử vì có thể gây ra sai số cho kết quả đo).
- Đến bước lấy máu, bạn vuốt nhẹ theo phía đầu ngón tay để máu dồn về. Sau đó ấn nút ở bút chích để kim đâm vào ngón tay, rồi bạn rút ra luôn.
- Bạn nặn máu ra đủ 1 giọt rồi đưa máy đo ra, hứng giọt máu vào ô nhận máu ở que thử.
- Tiếp theo máy tiến hành tự động đo chỉ số GI. Bạn chờ khoảng 10 giây là sẽ có kết quả trên màn hình máy.
Về cách đọc chỉ số đường huyết, trên máy đo có thể hiển thị theo đơn vị mg/dl hoặc mmol/l, bạn có thể chuyển đổi theo hướng dẫn đầu bài viết. Sau khi đã có kết quả, bạn đối chiếu với bảng chỉ số đường huyết tiêu chuẩn để xem mình đã kiểm soát tốt nồng độ glucose trong máu hay chưa.
Xem thêm: [Cẩn trọng] Dấu hiệu bệnh đái tháo đường (tiểu đường) không thể bỏ qua
Trên đây là toàn bộ kiến thức cơ bản nhất về chỉ số đường huyết. Theo như lời khuyên của chuyên gia, bạn nên chủ động kiểm tra chỉ số đường huyết định kỳ của mình và người thân kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh để duy trì chỉ số ở mức an toàn và ngăn ngừa bệnh đái tháo đường.